Ý kiến thăm dò

Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên trang?

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
246530

Tăng cường phòng, chống bệnh Tay- chân- miệng

Đăng lúc: 15:08:36 20/06/2023 (GMT+7)

   Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước nghi nhận 8.995 trường hợp mắc Tay- chân- miệng, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Số mắc tay- chân- miệng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây, đồng thời đã nghi nhận sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh. Tại Thanh Hóa theo thống kê từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh phát hiện 39 ca bệnh ở 16 huyện. Tại Nông Cống tính từ đầu năm đến nay ghi nhận 08 trường hợp mắc bệnh tay- chân- miệng, 02 ca nặng nhập viện điều trị.
     benh-tay-chan-mieng-tre-em.jpg
    Bệnh Tay- chân- miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh Tay- chân- miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi với các biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng lợi lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
    Tất cả những người chưa từng mắc bệnh Tay- chân- miệng đều là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên không phải ai bị nhiễm bệnh cũng biểu hiện triệu chứng. Độ tuổi bị Tay- chân- miệng chủ yếu là ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ < 3 tuổi. Lưu ý, các trẻ càng nhỏ thì biến chứng càng dễ diễn biến nặng.
    Cho đến nay, các nhà khoa học chưa bào chế được loại vắc xin phòng bệnh Tay- chân- miệng. Do đó, công tác phòng ngừa bệnh chủ yếu là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và hạn chế làm lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, phân, dịch tiết từ các nốt bọng nước của người bệnh. Chính vì vậy, mọi người cần nắm một số biện pháp phòng bệnh sau để hạn chế mắc bệnh và hạn chế lây lan bệnh.
    - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
    - Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
    - Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
    - Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
    - Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

     4300_6_khuyen_cao_phong_chong_benh_3.jpg
    * Lưu ý dành cho người chăm sóc trẻ mắc bệnh tay- chân- miệng
    - Để phòng bệnh tay- chân- miệng, việc vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống là biện pháp quan trong hàng đầu;
    - Vệ sinh cá nhân hàng ngày nhất là trước và sau khi tiếp xúc với trẻ;
    - Đối với trẻ đã mắc bệnh: Giặt sạch quần áo, tã lót, khăn mặt sau đó ngâm qua với nước sôi hoặc dung dịch cloramin B. Không giặt chung quần áo của trẻ mắc bệnh với các trẻ khác;
    - Hạn chế cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được vệ sinh;
    - Nên cho trẻ đi ngoài vào bô có sẵn chất diệt khuẩn như cloraminB. Phân cần được xử lý tốt, tránh thải trực tiếp ra môi trường xung quanh;
    - Nhà vệ sinh cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, lau chùi bằng xà phòng và chất sát khuẩn.
    - Khi phát hiện trẻ mắc tay- chân- miệng, cần cách ly trẻ để tránh lây lan, đồng thời báo nhà trường để cho trẻ tạm nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.
                                                                                                Phòng Dân số & TTGDSK