Ý kiến thăm dò

Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên trang?

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
246530

Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Botulinum

Đăng lúc: 10:35:41 06/04/2023 (GMT+7)

    Trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum, làm một số người ngộ độc phải nhập viện điều trị, trong đó đã có trường hợp tử vong.
Ngộ độc thực phẩm do Clostridium botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn ngoại độc tố botulinum do vi khuẩn sinh ra.
   1. Clostridium botulinum là gì?
    Clostridium botulinum là vi khuẩn có hình que, kị khí (phát triển trong môi trường thiếu không khí). Vi khuẩn này tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và có thể lẫn trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, chúng sống chủ yếu bằng cách phân hủy chất hữu cơ, một số ít sống trong ruột các loài động vật. Như vậy, các thực phẩm khi chế biến với quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh có thể lẫn một vài bào tử vi khuẩn, kết hợp với quy trình đóng gói kín trong các chai, lọ, hộp sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum.
     attp1.png
    2. Các loại thực phẩm có thể bị ngộ độc
    Clostridium botulinum thường sinh sôi trong thịt hộp hết hạn hoặc thịt hộp bảo quản không đúng quy định (do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn ngộ độc thịt).
    Các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy ngoài thịt hộp, tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, thịt, hải sản... được chế biến, sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo sẽ dẫn tới vi khuẩn sinh nha bào và sinh ngoại độc tố botulinum gây ngộ độc.
    3. Khả năng gây bệnh
    Bệnh xuất hiện nhanh 6 - 48 giờ sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc, phổ biến 12-36 giờ sau ăn, đôi khi có thể lên đến 6-8 ngày.
    Triệu chứng: Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón.
     Liệt đối xứng 2 bên, xuất phát từ vùng đầu mặt cổ, lan xuống chân: sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, nói khó, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng, liệt các cơ vùng ngực bụng và hai chân. Phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất. Mức độ liệt: từ nhẹ (mệt mỏi, mỏi cơ tương tự suy nhược cơ thể, không làm được các động tác gắng sức bình thường) đến liệt nặng (ứ đọng đờm rãi, ho khạc kém, dễ sặc, suy hô hấp). Trường hợp nặng có thể tử vong.
     Mọi người đều có thể bị bệnh, trẻ em dưới 1 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn do sức đề kháng, miễn dịch thấp hơn và mẫn cảm hơn với độc tố. Ngoài ra những người hay dùng đồ hộp, thực phẩm xông khói, thực phẩm lên men yếm khí, người làm nghề giết mổ, người lao động tiếp xúc với phân người và động vật.
     Hiện chưa có vắc xin dự phòng bệnh.
     4. Phòng bệnh
     
Người dân nên chọn các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
     Thận trọng với các thực phẩm đóng kín, có mùi hoặc màu sắc thay đổi hoặc có vị khác thường.
     Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đảm bảo.
     Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.
     Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
                                                                                                         Phòng Dân số & TTGDSK