Ý kiến thăm dò

Bạn quan tâm đến chuyên mục nào trên trang?

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
246530

Tỉnh Thanh Hóa tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Đăng lúc: 08:00:00 27/07/2020 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp, khó lường, có sự lây nhiễm từ cộng đồng, nguy cơ xâm nhập và lây lan vào Thanh Hóa là rất lớn, Thanh Hóa đang tập trung triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19


Sáng 27-7, các đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh; Phạm Đăng Quyền, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, đồng chủ trì hội nghị trực tuyến với 27 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19 trong tình hình mới.

Tính đến 21h00 ngày 26-7-2020, trên thế giới đã có 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với tổng số 16.224.922 người mắc; 648.840 người tử vong. Tính đến 21h00, ngày 27-7-2020, trên cả nước đã ghi nhận 420 trường hợp mắc bệnh, trong đó 365 trường hợp đã được điều trị khỏi.

Từ ngày 16-4-2020 đến hết ngày 24-7-2020 (99 ngày) cả nước không có ca bệnh trong cộng đồng. Từ ngày 25-7-2020 đến nay cả nước ghi nhận thêm 7 ca bệnh, đặc biệt trong đó có 4 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, không rõ nguồn gốc lây nhiễm.

Tại Thanh Hóa, từ chiều ngày 24-1-2020, hệ thống giám sát ghi nhận ca bệnh nghi ngờ viêm phổi do nCoV tại xã Định Hòa, huyện Yên Định, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị triển khai triệt để các biện pháp phòng chống dịch như đối với ca bệnh chẩn đoán xác định. Đồng thời kích hoạt hệ thống phòng chống dịch.

Mặc dù tính đến ngày 27-7-2020, đã có 18 bệnh nhân COVID -19 được phát hiện tại Thanh Hóa (Bao gồm: 1 bệnh nhân điều trị tại Thanh Hóa và 17 bệnh nhân được phát hiện ở khu cách ly tập trung tại Sư đoàn 390, thị xã Bỉm Sơn đã chuyển ra điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở II), nhưng với các biện pháp phòng chống dịch chủ động, quyết liệt, hiệu quả, sáng tạo, phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý dịch ngay từ khi mới phát hiện, ở phạm vi nhỏ (như chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh), tỉnh ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch, không để lây lan thứ phát ra cộng đồng.

Từ ngày 24-7-2020, ngay sau khi ghi nhận bệnh nhân 416 lây nhiễm ra cộng đồng, Sở Y tế (thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh) đã họp khẩn cấp, nhận định tình hình dịch là diễn biến mới, phức tạp, khó lường, có sự lây nhiễm từ cộng đồng, nguy cơ xâm nhập và lây lan vào Thanh Hóa là rất lớn (có thể nói là tất yếu). Trong 2 ngày 25 và 26-7-2020, Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành liên tiếp 2 văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch: Công văn số 2314/CV-BCĐ ngày 25-7-2020 về việc đẩy mạnh việc giám sát xét nghiệm và tăng cường công tác phòng chống dịch COVID - 19; Công văn số 2318/CV-BCĐ ngày 26-7-2020 về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch trong tình hình mới.

Đồng thời, chỉ đạo đôn đốc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch như: Đẩy mạnh công tác giám sát, xét nghiệm sàng lọc tất cả các đối tượng sốt, ho, khó thở chưa rõ nguyên nhân; Phân luồng riêng khám chữa những người có biểu hiện bệnh đường hô hấp; Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh; Rà soát, duy trì hoạt động các khu cách ly tập trung tuyến huyện; Tổ chức cách ly theo dõi y tế người đến từ vùng dịch; thực hiện việc khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe đối với những người tở về từ Đà Nẵng từ ngày 18-7-2020; Tăng cường công tác truyền thông; Chống găm hàng, tăng giá...

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và có hiệu quả của các cấp ủy và chính quyền cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, có thể nói Thanh Hóa đã bước đầu đạt được các mục tiêu quan trọng trong phòng chống dịch COVID -19, không để dịch bệnh lây lan thứ phát trong cộng đồng; Không có trường hợp tử vong do dịch bệnh; Không để tâm lý người dân, xã hội hoang mang; Giảm thiểu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội do dịch bệnh; Hiện nay, đang khẩn trương đáp ứng với diễn biến phức tạp mới của dịch, tình huống dịch lây lan trong cộng đồng, hầu như khó tránh khỏi trường hợp bệnh lây lan trong cộng đồng tại Thanh Hóa.

Tuy nhiên, hiện nay, đã phát hiện 4 ca bệnh trong cộng đồng tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi, nguồn gốc lây nhiễm chưa xác định được là từ nội tại ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi hay từ các địa phương khác qua những người nhiễm vi rút không triệu chứng (theo WHO là khoảng 40%); Trong trường hợp có ca bệnh trong cộng đồng, số người phải theo dõi, cách ly, làm xét nghiệm là rất lớn, nhiều khả năng phải áp dụng cách ly xã hội ở một số địa phương, cách ly hoàn toàn một số bệnh viện. Thanh Hóa và Đà Nẵng là hai tỉnh, thành phố có sự giao lưu sâu, rộng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch... lượng người đi lại giữa hai tỉnh trong thời gian qua là rất lớn nhất là từ khi mở cửa du lịch nội địa. Trên địa bàn tỉnh hiện đang có nhiều du khách đến từ Đà Nẵng (do khách du lịch nội địa đến Thanh Hóa chủ yếu đi từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng); Thêm vào đó số người từ Thanh Hóa từ Đà Nẵng trở về trong thời gian tới cũng sẽ gia tăng sau khi Đà Nẵng áp dụng các biện pháp cách ly xã hội.

Nhận định nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan ở Thanh Hóa là hiện hữu, trong đó những nguồn lây trước mắt và chủ yếu trong giai đoạn hiện nay là từ những người mang mầm bệnh trở về từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, chưa loại trừ khả năng đã có nhiều người Thanh Hóa đang mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh hoặc mang mầm bệnh không triệu chứng sẽ là nguồn lây bệnh rất khó kiểm soát, nhất là trong trường hợp vi rút có khả năng phát tán rộng, lây nhiễm qua đường không khí; Từ những người nhập cảnh vào Việt Nam và đến Thanh Hóa không theo đường nhập cảnh chính thống (qua đường mòn, lối mở, tàu thuyền…), nhất là những người qua biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc và qua biên giới với nước bạn Lào về Thanh Hóa.
164d1095241t23002l0.jpg

Thanh Hóa triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19 trong tình hình mới

Để tiếp tục tổ chức tốt công tác phòng chống dịch trong diễn biến mới của dịch, Sở Y tế đề nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch sau: Các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng kiện toàn, tái khởi động, duy trì hoạt động các khu cách ly tập trung phòng chống dịch; Kiện toàn và tăng cường hoạt động của các tổ giám sát phòng chống dịch (nhất là ở các thôn, bản, tổ dân phố…) để tích cực rà soát phát hiện sớm những đối tượng đến, đi qua vùng dịch, người nhập cảnh vào Việt Nam và đến Thanh Hóa không theo đường nhập cảnh chính thống (qua đường mòn, lối mở, tàu thuyền…), đặc biệt là những người đến từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Tổ chức rà soát, giám sát, quản lý chặt chẽ, tổ chức cách ly phù hợp tất cả các đối tượng nguy cơ, trong đó tập trung vào giám sát tất cả những người đã ở Đà Nẵng đến Thanh Hóa từ ngày 18-7-2020; triển khai ngay các tổ công tác tại các bến xe khách, cảng hàng không Thọ Xuân, cảng biển, để kiểm tra y tế, hướng dẫn và tổ chức cách ly đối với tất cả những hành khách trở về từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi (sẽ gia tăng trong nay mai).

Rà soát cách ly ngay những người nước ngoài có lịch sử đi lại không rõ ràng hoặc cư trú bất hợp pháp trên địa bàn chưa thực hiện việc khai báo y tế; Tăng cường giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, tất cả các trường hợp có các triệu chứng sốt, ho, khó thở chưa xác định được nguyên nhân đều phải được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Tiếp tục duy trì chế độ thường trực phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế, xét nghiệm đối với người nhập cảnh vào Thanh Hóa (chuyên gia, lao động nước ngoài…), người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh và các trường hợp liên quan khác.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nhân dân đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là hoặc hoang mang trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động. Trong đó, đặc biệt chú trọng khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn để phòng tránh dịch COVID-19 qua hệ thống loa phát thanh tại các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố…

Tổ chức điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp tung tin sai lệch về tình hình dịch gây hoang mang dự luận, các trường hợp nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú tiếp nhận người nhập cảnh trái phép; các trường hợp găm hàng, tăng giá bất hợp pháp các mặt hàng liên quan như: Khẩu tra, dung dịch rửa tay … Rà soát bổ sung vật tư, hóa chất, kinh phí còn thiếu và cho hoạt động phòng chống dịch COVID-19.

Tại hội nghị, các đại đại biểu đã bàn các giải pháp giám sát, cách ly đối với những người trở về từ vùng dịch; hạn chế tiếp xúc với những người từ vùng dịch về; phân loại đối tượng để tổ chức cách ly; nhận định sát đúng các yếu tố nguy cơ để chủ động các giải pháp ứng phó.
 
                                                                                                                      Nguồn Báo Thanh Hóa